Để vượt qua các đối thủ cạnh tranh và đạt thành công trong kinh doanh khách sạn nói riêng và bất cứ hoạt động kinh doanh nào nói chung cần phải có chiến lược và chiến thuật rõ ràng. Vậy thì câu hỏi đầu tiên cần phải trả lời được đó là kinh doanh khách sạn cần gì?
Kinh doanh khách sạn cần gì?
Tóm tắt sơ lược thì hoạt đông kinh doanh khách sạn đầu tiên là cần phải có vốn, sau đó các bước thực hiện là: Lập kế hoạch kinh doanh => Nghiên cứu thị trường =>Phát triển kế hoạch tiếp thị=>Hỏi về giấy phép và quy hoạch=>Huy động vốn=>Chọn địa điểm => Thi công, xây dựng khách sạn, nội thất khách sạn => Tuyển dụng nhân viên => Quản lý vận hành,… chi tiết các bước chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết này. Nhưng trước tiên cùng nhau lướt qua các khái niệm cơ bản:
1 Kinh doanh khách sạn là gì?
Ngành kinh doanh khách sạn hay còn được gọi là ngành dịch vụ. Công việc chính là tiếp đón và chiêu đãi khách khứa, khách vãng lai, khách lạ với thái độ nhiệt tình và chu đáo. Ngành khách sạn cũng bao gồm các dịch vụ như tổ chức sự kiện, nhà hàng, nhà nghỉ, giải trí và du lịch.
Vận hành một khách sạn có cơ sở vật chất, quản lý hoạt động trực tiếp, tiếp thị và nguồn nhân lực, vì vậy cũng bao gồm kế toán, máy tính.
Chủ khách sạn là người giám sát, quản lý khách sạn (tùy theo quy mô lớn nhỏ, chủ sở hữu có thể là giám đốc điều hành một khách sạn hoặc chuỗi khách sạn, hoặc tổng giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản trị).
Ai sở hữu khách sạn sẽ chịu trách nhiệm quản lý tất cả các vấn đề như bất động sản, thuế, tuân thủ pháp luật, giám sát hoạt động kinh doanh, xử lý từng vấn đề như quan hệ công chúng, dịch vụ khách, bảo trì cơ sở vật chất, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, tiếp thị, thủ tục đặt phòng. Với quy mô lớn có thể phân chia thành các bộ phận đảm nhiệm từng nhiệm vụ và cấp bậc nhân viên trong khách sạn để dễ dàng quản lý.
Là chủ một khách sạn thường có những phẩm chất nào?
- Mong muốn được phục vụ
- Có nhu cầu làm hài lòng khách
- Lãnh đạo tốt
- Sự bền bỉ
- Chăm chỉ
- Khỏe mạnh
- Khả năng sắp xếp công việc
2 Đặc điểm kinh doanh khách sạn
Tính vô hình: Tính vô hình của dịch vụ nhà hàng, khách sạn thể hiện ở cách chúng ta phục vụ, bởi khách hàng không thể nhìn thấy, nếm, nghe hoặc ngửi để đo lường trước chất lượng dịch vụ sẽ được nhận. Do vậy nhân viên cần chú trọng đến cách phục vụ, trò chuyện để tỏ lòng hiếu khách, nếu khách hàng hài lòng, họ sẽ quay lại nhiều lần.
Tính đa dạng: Cùng một phòng, một món ăn nhưng có thể mang lại mức độ hài lòng khác nhau cho những khách hàng khác nhau, ở thời điểm khác nhau. Chất lượng dịch vụ không chỉ phụ thuộc vào những gì chúng ta phục vụ mà còn phụ thuộc vào cách chúng ta phục vụ, đồng thời cũng phụ thuộc vào cách khách hàng đón nhận nó.
Sử dụng nhiều lao động: Đòi hỏi nguồn cung cấp lao động lớn.
Đa dạng về văn hóa: Nhân viên khách sạn luôn phải tương tác với khách hàng đến từ vùng miền, văn hóa khác nhau, với sự khác biệt về tôn giáo, niềm tin có thể sẽ có những hiểu nhầm. Bởi vậy cần cởi mở và cùng nhau đưa ra giải pháp.
Vốn đầu tư lớn: Chi phí thuê đất, xây dựng, nội thất, tiện nghi và lao động là rất lớn.
Phụ thuộc vào từng địa phương: Với những nơi có tài nguyên du lịch thì hoạt động khách sạn thường phát triển hơn.
Tính thời vụ: Đối với hoạt động kinh doanh khách sạn phục vụ du lịch thì ảnh hưởng bởi thời vụ, thường chia thành 2 mùa cao điểm và thấp điểm. Ví dụ khách sạn vùng biển miền Bắc Việt Nam mùa du lịch thường là mùa hè, mùa đông sẽ vắng vẻ hơn.
3 Quy trình kinh doanh khách sạn: Kinh doanh khách sạn cần những gì?
Lập kế hoạch: Kế hoạch là nền tảng quyết định thành công việc kinh doanh, bởi nếu không có kế hoạch bạn sẽ không biết mình đang ở đâu, và sẽ đi về đâu. Nếu không có kế hoạch bạn cũng không thể gọi vốn nếu muốn có người cùng bạn đầu tư vào nó.
Nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng: Cần phải đầu tư một số vốn lớn nên nếu không có bước nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng sẽ dễ thua lỗ. Nghiên cứu thị trường là tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau:
- Đối tượng khách hàng hướng tới: Khách hàng mục tiêu là ai, tần suất họ có thể lui tới khách sạn là bao nhiêu?
Có 3 cách để tìm thị trường mục tiêu lý tưởng, trước tiên xác định khách sạn của bạn dựa trên kiểu người bạn hiểu rõ nhất, thứ hai tìm ra những kiểu người sẽ bị thu hút nhất bởi những thứ khách sạn bạn dự định cung cấp, thứ ba là tùy vào vị trí.
Sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể thiết kế đề xuất giá trị duy nhất mà khách sạn của bạn nổi bật hơn đối thù – trả lời cho câu hỏi tại sao khách hàng nên chọn bạn, thay vì chọn những khách sạn khác.
Thu thập thông tin, tạo các cuộc khảo sát,…
Tạo một nhân vật khách chi tiết
- Vị trí tọa lạc: Đóng vai trò đặc biệt quan trọng quyết định thành công kinh doanh khách sạn.
- Loại hình khách sạn bạn định kinh doanh
- Quy mô khách sạn
- Cơ sở vật chất, nội thất, trang thiết bị tiện nghi ở mức nào?
- Đặt giá dựa trên chi phí hay đối thủ cạnh tranh?
Vốn: Kinh doanh khách sạn cần bao nhiêu vốn (kinh doanh khách sạn cần bao nhiêu tiền)?
Vốn là yêu cầu tiên quyết đối với mọi hoạt động kinh doanh, Như đã đề cập ở trên kinh doanh khách sạn cần rất nhiều vốn, vậy thì cụ thể là khoảng bao nhiêu vốn?
Chi phí cố định (khoản đầu tư ban đầu): Tùy thuộc vào mô hình kinh doanh lớn hay nhỏ: Một khách sạn hay chuỗi khách sạn; khách sạn mini, 1 sao hay 4 sao, 5 sao,… ảnh hưởng tới chi phí xây dựng hoặc thuê lại khách sạn. Vị trí tọa lạc ảnh hưởng tới chi phí thuê hoặc mua mặt bằng. Đối tượng khách hàng ta nhắm tới là ai? Cao cấp hay bình dân từ đó đầu tư cơ sở vật chất tương ứng với mục đích. Trang thiết bị, nội thất loại bình dân, trung, hay cao cấp.
Chi phí vận hành (khoản phải chi hàng tháng): Chi phí nhân sự, quảng cáo, điện nước, và các chi phí khác.
Ví dụ: Giá cho thuê khách sạn để kinh doanh tùy thuộc vào xếp hạng sao của khách sạn cho thuê và số phòng, vị trí khách sạn: Có nơi 110 triệu – 150 triệu 1 tháng với những khách sạn mini, có nơi 200-300 triệu 1 tháng, có nơi lên đến 2 tỷ 1 tháng với khách sạn 4 sao.
Tương tự giá xây dựng khách sạn cũng tùy thuộc vào vị trí xây, thiết kế sang trọng hay bình dân, số phòng nhiều hay ít: Giá xây thô chưa tính hoàn thiện nội thất khách sạn mini thường khoảng 5-6 triệu/m2.
Mô hình kinh doanh khách sạn: Đối tượng khách hàng, loại hình khách sạn và địa điểm kinh doanh
Khách sạn thương mại: Hướng tới đối tượng khách hàng doanh nhân đi công tác.
Khách sạn nghỉ dưỡng: Hướng tới nhóm khách hàng có nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn. Thường xây dựng tại các địa điểm có tài nguyên thiên nhiên như: biển, hồ, rừng, núi…
Khách sạn sân bay: Xây dựng gần sân bay, chủ yếu phục hướng tới đối tượng là phi công, tiếp viên hàng không hay khách quá cảnh chờ chuyến bay với thời gian lưu trú ngắn.
Khách sạn sòng bạc: Hướng tới đối tượng khách hàng có nhu cầu cờ bạc, vui chơi, giải trí… Loại hình này được đầu tư rất quy mô với trang thiết bị hiện đại nội thất cao cấp và nội thất cao cấp. Chưa phổ biến ở Việt Nam.
Khách sạn bình dân (Hotel): Thường đặt gần bến xe, nhà ga…, hướng tới đối tượng chủ yếu là những người có nhu cầu nghỉ qua đêm, dân du lịch phượt.
Nhà nghỉ ven đường (Motel): Hướng tới đối tượng dừng chân lưu trú qua đêm như: tài xế ô tô, mô tô…
Khách sạn nổi: Được xây dựng trên những con tàu lớn (thay vì đất liền) và thường không cố định ở một chỗ mà di chuyển từ vùng này sang vùng khác hoặc qua lại giữa các nước.
Khách sạn căn hộ: Là dạng căn hộ đầy đủ các phòng như: phòng khách, ngủ, bếp… nhưng được cho thuê và kinh doanh như khách sạn. Hướng tới khách là nhóm bạn bè, gia đình hoặc khách có nhu cầu lưu trú dài hạn.
Khách sạn “con nhộng” : Kết hợp giữa homestay và hotel, có nhiều phòng ngủ nhỏ trong một diện tích nhất định. Khá phổ biến ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hồng Kông… do giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi cơ bản và tính riêng tư.
Định giá
Sau khi đã nghiên cứu đối tượng mục tiêu, loại hình khách sạn để thu hút đối tượng mục tiêu, bạn có thể bắt đầu nghiên cứu đối thủ cạnh tranh.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách tìm kiếm trên internet khách sạn tại vị trí bạn lựa chọn để kinh doanh, lập danh sách gồm tên khách sạn, giá, dịch vụ, ghi chú đặc biệt. Thêm email của bạn vào danh sách đăng ký trên web đối thủ để nhận được các email mà họ gửi, kết nối với đối thủ tại các triển lãm để lắng nghe và tiếp thu.
Kinh doanh khách sạn cần giấy tờ gì?
Để được cấp phép kinh doanh khách sạn cần đáp ứng những yêu cầu đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật như: Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, Luật Du lịch 2017 và Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL.
Ngoài giấy phép kinh doanh, còn cần giấy phép khác như: giấy chứng nhận an ninh trật tự, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy xếp hạng sao khách sạn.
+ Hồ sơ Xin giấy phép kinh doanh dịch vụ khách sạn
- Bản sao công chứng CMND hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ của khách sạn
- Danh sách thành viên, cổ đông.
Cơ quan cấp: Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố.
Thời gian thực hiện: Khoảng 3 đến 5 ngày làm việc kể từ khi hồ sơ hợp lệ được nộp đủ.
+ Trong đó chuẩn bị hồ sơ xếp hạng sao cho kinh doanh khách sạn cần những giấy tờ gì:
– Đơn đề nghị xếp hạng cơ sở lưu trú
– Sơ đồ phòng của khách sạn
– Danh sách nhân viên làm việc tại khách sạn
– Bằng cấp chuyên ngành hoặc lớp nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên
– Bảng điểm đánh giá tiêu chuẩn xếp hạng sao khách sạn
– Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp (có sao y)
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự (có sao y)
– Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (có sao y)
– Biên lai nộp lệ phí thẩm định khách sạn theo quy định của phá luật hiện hành
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thời gian bắt đầu nộp hồ sơ: Sau 2 tháng kể từ ngày có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cùng đầy đủ những loại giấy tờ nêu trên.
Thời gian thực hiện: 30 – 45 ngày có giấy chứng nhận.
+ Hồ sơ cấp giấy phòng cháy chữa cháy bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận PCCC
- Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC và văn bản nghiệm thu
- Phương án chữa cháy
- Quyết định thành lập đội PCCCC cơ sở kèm danh sách nhân viên tham gia đội PCCC (tối thiểu 5 người)
- Bản thống kê các phương tiện phòng cháy chữa cháy, phương tiện thiết bị cứu người
- Sơ đồ khách sạn
- Sơ đồ thoát hiểm
- Giấy phép kinh doanh
- CMND người đại diện pháp luật
Cơ quan cấp: Phòng cháy chữa cháy quận/ huyện hoặc tỉnh, thành phố tùy quy mô và số tầng xây dựng.
Thời gian: 15 ngày có giấy phép Phòng cháy chữa cháy
+ Hồ sơ an ninh trật tự
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận ANTT (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này)
- Giấy phép đăng ký kinh doanh (Sao y công chứng)
- Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra PCCC
- Bản khai lý lịch được xác nhận tại cơ quan địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
- Sơ yếu lý lịch
Cơ quan cấp: Công an quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội tỉnh, thành phố.
Thời gian: Không quá 5 ngày làm việc với trường hợp quy định. Không quá 4 ngày làm việc với trường hợp cấp đổi, cấp lại quy định.
Thi công, xây dựng khách sạn, hoàn thiện nội thất
Bạn cần có bản thiết kế kiến trúc với chi phí khoảng 150.000-250.000vnđ/m2 sàn. Bao gồm hình ảnh ngôi nhà, các mặt đứng, mặt bằng, bản bổ kỹ thuật khối lượng vật tư. Sau quá trình thiết kế kiến trúc sư sẽ lên được bảng dự toán chi phí thi công xây dựng cụ thể dựa vào bản thiết kế kiến trúc.
Bạn cũng cần tính toán thời điểm khởi công để hoàn thành đúng tiến độ phục vụ việc kinh doanh. Ví dụ, khách sạn gần biển cần được hoàn thành trước mùa hè để kịp đón khách mùa du lịch biển.
Chi phí thiết kế nội thất khách sạn thường khoảng 250.000vnđ/m2. Vì khách sạn thường có nhiều phòng giống nhau, do vậy chi phí thiết kế nội thất thường được tính bằng diện tích khu vực thiết kế nhân đơn giá: Khu vực sảnh, lễ tân, các phòng giống nhau thì thiết kế 1 phòng mẫu, khu vực nhà hàng nếu có,… Sau khi thiết kế kiến trúc sư sẽ lập bảng giá chi tiết hoàn thiện nội thất theo thiết kế là bao nhiêu. Ngược lại, bạn cũng có thể trao đổi trước về mức kinh phí dự định đầu tư để kiến trúc sư lên phương án phù hợp. Ví dụ hoàn thiện nội thất 1 phòng khách sạn tầm trung khoảng 40-60 triệu,…
4 Những điều cần biết về kinh doanh khách sạn để đạt hiệu quả cao
Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tiện nghi khách sạn: Trước khi kịp trải nghiệm chất lượng phục vụ của khách sạn, khách hàng sẽ dựa vào yếu tố thẩm mỹ, tiện ích để quyết định có chọn khách sạn của bạn hay không. Bởi vậy nhiều đơn vị đầu tư vào thiết kế không gian, cảnh quan bắt mắt, nội thất sang trọng, tiện nghi để thu hút khách từ cái nhìn đầu tiên.
Một không gian độc đáo, ấn tượng cũng giúp bạn gián tiếp kéo được nhiều khách hơn thông qua những bức ảnh mà khách hàng khoe với bạn bè.
Có được khách hàng rồi thì thái độ phục vụ phải tốt, và để tăng trải nghiệm tuyệt vời thì nên chú trọng tới từng chi tiết nhỏ giúp đem lại cảm giác thoải mái cho khách, từ chăn ga gối đệm êm ái, mềm mại sạch sẽ thơm tho, tới wifi tốc độ cao,…
Mở rộng các dịch vụ mà khách sạn cung cấp: Mở rộng dịch vụ sẽ giúp tăng doanh thu cho khách sạn, bởi ngoài nhu cầu ngủ nghỉ khách hàng có thể có thêm các nhu cầu đi kèm như ăn uống, thuê xe, spa,…
Thúc đẩy quảng bá online, xây dựng website và quảng cáo trên các trang đặt phòng khách sạn trực tuyến
Chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên khách sạn: Qua tham khảo những đánh giá của khách hàng cho thấy rất nhiều đánh giá tập trung vào thái độ và sự nhiệt tình của nhân viên. Rõ ràng, kinh doanh dịch vụ như kinh doanh khách sạn, yếu tố con người vẫn luôn đóng vai trò quan trọng.
Những yếu tố ảnh hưởng đến kinh doanh khách sạn
Những yếu tố ảnh hưởng tới kinh doanh khách sạn bao gồm:
- Vị trí
- Không gian nội thất, cảnh quan
- Thái độ nhân viên
- Các hoạt động, chương trình giải trí
- Không gian chơi
- Cảm giác “như ở xa nhà”
- Các dịch vụ miễn phí
- Sạch sẽ
Ý tưởng kinh doanh khách sạn
1 Nếu bạn có ngân sách thấp, và muốn thử sức để xem mình có phù hợp với lĩnh vực này không: Hãy thử bắt đầu bằng cách tạo một phòng riêng trong nhà bạn, nếu bạn ở thành phố thử hướng tới sinh viên làm thị trường chính của bạn để đủ khả năng chi trả và thu hút họ. Nếu bạn ở vùng nông thôn nơi có hoạt động du lịch phát triển có thể cung cấp một hoặc một số phòng trong nhà làm dịch vụ lưu trú cho khách, bạn có thể bắt đầu phát triển và mở rộng hơn nếu thành công và cuối cùng là thiết lập một khách sạn chính thức.
noithattrevietnam.com